Phát biểu trong tuần qua về vấn đề đảo Síp, quan chức Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề đảo quốc này nhấn mạnh 2024 là một năm quan trọng cho nỗ lực “hàn gắn” 2 miền.
Tuần vừa qua đánh dấu mốc kỉ niệm 60 năm ngày Liên Hợp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến đóng tại Cộng hòa Síp, sau khi khu vực phía Bắc nước này đơn phương tách ra thành một nhà nước tự xưng, và chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.
Phát biểu nhân sự kiện trên, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Síp, ông Colin Stewart, nhấn mạnh rằng nỗ lực thống nhất đảo Síp đang bước tới một “thời khắc quyết định”, đòi hỏi quyết tâm chính trị từ cả 2 phía.
“Chúng ta phải tận dụng bất cứ cơ hội nào có được, dù nhỏ hay lớn. Tôi biết các bạn đã làm việc năng nổ thế nào, đã mệt mỏi thế nào, nhưng đây là thời điểm bây giờ hoặc không bao giờ. Lần này chúng ta phải gom toàn bộ nỗ lực để đưa mọi chuyện đến một giải pháp”, ông Stewart phát biểu trong cuộc gặp một nhóm hoạt động dân sự địa phương.
Đây không phải là thông tin tích cực đầu tiên trong năm 2024 của nỗ lực thống nhất đảo Síp. Ngay hồi tháng 1/2024, Trưởng phái đoàn mới của Liên Hợp Quốc về vấn đề đảo Síp, bà María Ángela Holguín Cuellar, đã có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides, và lãnh đạo nhà nước tự xưng ở Bắc Síp, ông Ersin Tatar.
Phát biểu sau sự kiện được đánh giá là nhằm “đánh giá xem liệu các điều kiện đã chín muồi cho việc nối lại đàm phán 2 miền hay chưa”, bà Cuellar cho biết: “Tôi nghĩ rằng bản thân mình có thể đóng góp và làm tất cả những gì tốt nhất cho một kết quả có lợi cho Síp”.
Bà Cuellar là người từng có kinh nghiệm đại diện đàm phán thành công giải pháp hòa bình giữa chính phủ Colombia và một nhóm phiến quân nổi dậy tại nước này vào năm 2016. Chính vì vậy quyết định bổ nhiệm bà Cuellar được cho là mang theo nhiều kỳ vọng từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres về một “kết thúc có hậu” tương tự tại Síp.
Trong 60 năm qua, tuy mang tình trạng “chia cắt”, nhưng trên thực tế vấn đề trên hầu như không gây tác động gì đến cuộc sống hòa bình hàng ngày của người dân đảo Síp. Quốc đảo trên vẫn đã và đang là một điểm đến du lịch đáng chú ý tại khu vực Địa Trung Hải.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Síp còn nổi lên như một điểm đến định cư lý tưởng của những người muốn nghỉ hưu, hay các gia đình trrẻ và các nhà khởi nghiệp.
Chính vì vậy vấn đề “thống nhất đảo Síp” trên thực tế được thế giới, đặc biệt là giới đầu tư di trú, quan tâm chủ yếu là bởi vì vai trò “then chốt” của nó trong nỗ lực gia nhập khối Schengen của Síp.