Bảo tàng dưới nước ở Síp: Trải nghiệm siêu thực trong lòng biển

Năm ngoái, MUSAN – bảo tàng dưới nước ở Síp chính thức mở cửa. Du khách từ khắp thế giới đổ về Síp để trải nghiệm cảm giác siêu thực khi chìm đắm trong thế giới nghệ thuật độc đáo.

Bảo tàng dưới nước ở Síp mang đến trải nghiệm “độc” nhất

MUSAN - bảo tàng dưới biển ở Síp

Bảo tàng dưới nước ở Síp (MUSAN) là sản phẩm trí tuệ của nhà điêu khắc, nhà môi trường học và nhiếp ảnh gia Jason deCaires Taylor với chi phí 1 triệu euro, nằm ngay gần bãi biển Pernera ở Ayia Napa. Trước đó, ông Taylor là người xây dựng Công viên điêu khắc dưới nước Vịnh Molinere ở Grenada và Công viên hải dương quốc gia Isla Mujeres của Mexico.

MUSAN bao gồm 93 tác phẩm nghệ thuật, được làm từ sự kết hợp của thép không gỉ cao cấp và bê tông trung tính pH, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của san hô.

Được đặt ở độ sâu 8-10 mét, các tác phẩm được thiết kế để thu hút nhiều loại sinh vật biển. Làn nước trong như pha lê của khu vực này rất thích hợp cho du khách lặn biển và tham quan bảo tàng dưới nước ở Síp.

Bước vào bảo tàng, du khách sẽ lướt qua các tác phẩm nghệ thuật được bao quanh bởi vẻ đẹp thiên nhiên, tạo ra một trải nghiệm độc đáo cho những người yêu thích lặn biển. Đây cũng là cơ hội để khám phá thế giới dưới nước, nơi ẩn chứa vô vàn điều thú vị.

Theo trang web MUSAN, du khách sẽ mất khoảng 1 tiếng để khám phá hết bảo tàng trải dài 170m này. Các tác phẩm điêu khắc tượng hình trong bảo tàng dưới nước ở Síp mang phong cách huyền bí, kết hợp chất liệu truyền thống với thiết kế hiện đại.

Tác phẩm điêu khắc hình đàn ông, phụ nữ và trẻ em được đặt khắp bảo tàng. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc trẻ em đều cầm bằng máy quay phim hình nộm trên tay, chĩa ống kính vào tác phẩm điêu khắc người lớn. Rõ ràng, với cách khắc họa này, nhà điêu khắc muốn cho thấy trẻ em chú ý và thường sao chép các hành vi của người lớn.

bảo tàng điêu khắc trẻ em dưới biển

Tiếp theo là khu vườn nhân tạo chứa đầy tảo biển cùng cây cối khổng lồ, với những chiếc lá làm bằng kim loại sáng bóng được gắn vào dây cáp. Tảo biển được giữ ở tư thế thẳng đứng nhờ những chiếc phao lớn màu xanh lam.

Tảo biển trong bảo tàng dưới biển ở Síp

Bảo tàng dưới nước ở Síp khá lớn và đa dạng. Không chỉ hoàn hảo về mặt thẩm mỹ, các tác phẩm còn ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc. Đối diện với vẻ đẹp của đại dương, người ta chỉ muốn dừng lại, bước ra khỏi nhịp sống bận rộn trên cạn, thả lỏng và nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống.

MUSAN: Khi nghệ thuật và môi trường hòa làm một 

Mục tiêu của bảo tàng là kết nối liền mạch biển và đất liền bằng cách giao hòa môi trường nhân tạo với kỳ quan tự nhiên.

MUSAN không chỉ được thiết kế như một viện bảo tàng mà còn là một dự án tái tạo biển. Taylor đặt mục tiêu chú ý đến việc “tái tạo không gian tự nhiên”, “tái tạo hệ sinh thái của môi trường sống cằn cỗi” thông qua nghệ thuật sắp đặt, khám phá mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Các tác phẩm điêu khắc của ông tại bảo tàng dưới biển ở Síp được làm từ vật liệu thân thiện môi trường cũng như sở hữu kết cấu bề mặt cho phép san hô, bọt biển và các sinh vật cực nhỏ bám vào để phát triển. Điều này tạo ra nhà cửa, nguồn thức ăn cho các sinh vật biển khác.

“Nghiên cứu biển là một vấn đề ưu tiên để tạo ra nhận thức trong xã hội. Chúng tôi kỳ vọng rằng trong những năm tới, bảo tàng sẽ thu hút được nhiều người và sẽ thay đổi thái độ của mọi người đối với việc bảo vệ môi trường biển, ”Giorgos Bayadas từ Sở Thủy sản và Nghiên cứu Biển cho biết.

Hiện bảo tàng dự kiến thu hút hơn 50.000 khách du lịch mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới đến bờ biển Ayia Napa. Chính phủ Síp lưu ý rằng MUSAN là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm biến khu vực này trở thành “khu du lịch quốc tế và tốt nhất ở Địa Trung Hải vào năm 2030″.

Những câu hỏi thường gặp

1. Có cần đặt chỗ trước khi đến tham quan MUSAN không?

Vì sự an toàn cũng như đảm bảo du khách có trải nghiệm tốt nhất, du khách cần phải đặt trước thông qua một trong các trường dạy lặn trong danh sách của MUSAN. Bạn có thể xem các trường đã đăng ký tại đây.

2. Tôi có cần chứng nhận để lặn không?

Nếu lặn với ống thở thì du khách không cần chứng nhận.
Nhưng nếu lặn với bình dưỡng khí, du khách phải sở hữu bất kỳ chứng nhận nào được tổ chức quốc tế công nhận (PADI, NAUI, CMAS, RAID, SSI, SDI hoặc tương đương).

3. Phí vào cửa là bao nhiêu?

MUSAN quyết định sẽ không thu phí vào cửa nhưng các trường dạy lặn sẽ thu phí khi cho thuê trang thiết bị cũng như giám sát quá trình lặn. Giá khoảng 35 euro cho lặn với ống thở hoặc lặn tự do và khoảng 60-70 euro cho lặn với bình dưỡng khí.

>>> Tìm hiểu thêm về bộ môn lặn biển trong bài viết “Lặn biển ở Síp: Môn thể thao hấp dẫn dưới lòng biển”