Nửa cuối năm 2016, bốn chữ “Liên minh châu Âu” làm nóng bàn nghị sự quốc tế với sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu thông qua việc rời liên minh vào năm 2017. Trái ngược với những lời đồn đoán còn đang tiếp diễn về một châu Âu thời hậu Brexit, dường như một số quốc gia thành viên EU ngày càng có xu hướng liên kết dựa trên yếu tố khu vực.
Ngay từ lúc mới thành lập, Liên minh châu Âu EU đã đặt ra mục tiêu trọng tâm là thiết lập một thị trường kinh tế duy nhất ở châu Âu bao gồm lãnh thổ của tất cả các quốc gia thành viên. Mục tiêu tham vọng đó được thể hiện qua câu nói của Cao ủy thương mại Karel De Gucht: “Mở ra các thị trường mới khiến các nền kinh tế của chúng ta phát triển – chỉ một chính sách thương mại tự do và đầu tư chủ động mới làm được điều đó”. EU cũng đảm bảo một liên minh chính trị chặt chẽ, trong đó quy định tất cả các công dân của các nước thành viên được quyền tự do đi lại và cư trú trong lãnh thổ của các nước thành viên.
>>Xem thêm: Kinh tế tại đảo Síp để biết những thông tin mới nhất
Trong suốt nhiều năm liền, dù vấp phải nhiều khó khăn và khủng hoảng, Liên minh này vẫn vững vàng và chứng minh được sức mạnh của nó về tiềm lực kinh tế và các lợi ích chính trị mà công dân trong khối được hưởng. Vào năm 2012, sản lượng kinh tế của Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22,1% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, ước tính vào khoảng 12,9 nghìn tỉ Euro, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ chiếm 7% dân số thế giới, nhưng EU chiếm hơn một phần tư phúc lợi thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội GDP – tổng giá trị hàng hóa và sản phẩm được tạo ra. Mô hình gắn kết chặt chẽ về kinh tế và chính trị của Liên minh châu Âu còn là mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.
Trong cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015, nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý và bỏ phiếu rời khỏi Liên minh. “Brexit” bất ngờ trở thành sự thực bỗng chốc gây ra nỗi hoang mang tột độ cho chính người dân Anh và cả thế giới, liệu sau Anh, hiệu ứng domino có thể kéo theo hàng loạt nước khác rời khỏi cộng đồng chung này và khiến EU tan rã?
Thế nhưng những gì diễn ra tại Châu Âu đang đi ngược lại với hầu hết mọi dự đoán. Chính phủ của các quốc gia thành viên EU đang xích lại gần nhau hơn trong thời điểm khó khăn, thay vì theo bước Anh rời khỏi EU. Lý do quan trọng nhất là vì không ai muốn Liên minh châu Âu tan rã. Sự sợ hãi về viễn cảnh không còn tồn tại EU đang đảo ngược lại tình hình và đưa đến một sự ràng buộc chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên liên minh.
Ngày 9/9 lãnh đạo các nước Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp và Malta tham gia hội nghị tại Athens trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Cuộc gặp thỏa thuận về sự phối hợp và liên kết giữa các quốc gia châu Âu nằm ở khu vực Địa Trung Hải, hình thành liên minh chiến lược nhằm tăng cường khả năng can dự và chi phối chương trình nghị sự của EU. Rõ ràng, sự kiện “Brexit” đã thúc đẩy các quốc gia Nam Âu xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, việc hình thành liên minh Biển Bắc (MED) – ý tưởng xuất hiện từ nhiều năm trước – giữa các nước Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ) đã đề cập đến việc khởi động lại các nỗ lực hình thành một liên minh Biển Bắc mới nhằm tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế. Phía Đông nhóm Visegrad – V4 (gồm Ba Lan, Séc, Slovakia và Hungary đã tuyên bố mục tiêu tăng cường vai trò trong tiến trình cải cách EU hậu Brexit. Họ đề xuất EU cần phải cải cách để “trở nên gần gũi với người dân hơn”. Đồng thời quan điểm của V4 hiện nay là EU nên trở thành một liên minh chính trị, kinh tế và hợp tác an ninh nhưng không can thiệp vào hoạt động của chính phủ các nước thành viên.
Trên thực tế, cái đích cuối cùng mà mô hình Liên minh châu Âu hiện nay hướng tới trong tương lai chính là mô hình một siêu quốc gia theo cơ chế liên bang, và điều đáng nói ở đây là sự ra đi của nước Anh vốn được xem như một dấu hiệu xấu có thể đẩy Liên minh châu Âu vào nguy cơ tan rã lại đang trở thành chất xúc tác để EU tái cấu trúc lại hoạt động một cách hiệu quả và phù hợp hơn.