Chính phủ Síp vào ngày hôm qua 22/12 đã giới thiệu một nhóm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn của đảo quốc này về nhân lực lao động. Để đạt được mục tiêu này, nhóm giải pháp tập trung vào việc giúp công dân các nước thứ 3 (các nước ngoài EU) dễ dàng hơn trong việc xin giấy phép lao động tại Síp.
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Lao động Síp Yiannis Panayiotou với lãnh đạo Phòng Thương mại Síp – Keve và Liên đoàn các nhà công nghiệp và người sử dụng lao động Síp – Oev.
Lãnh đạo của cả 2 cơ quan này trước đó đều bày tỏ quan ngại về sự thiếu hụt nhân sự trầm trọng đang diễn ra tại Síp và đã đề đạt nguyện vọng lên phía Bộ Lao động để giải quyết vấn đề này.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Panayiotou cho biết: “Các bước quan trọng đã được thực hiện rồi, và nhiều bước đi khác đã được lên kế hoạch để triển khai”.
Ông cho biết thêm rằng cuộc họp tái khẳng định sự đồng điệu về nhu cầu của thị trường lao động với sự phát triển của kinh tế đất nước.
“Với sự hợp tác của Oev và Keve, cộng đồng doanh nghiệp, và các đối tác xã hội, chúng tôi sẽ cùng nhau phản hồi một cách hiệu quả trước các thách thức và tăng cường hơn nữa sức mạnh của nền kinh tế Síp, vì lợi ích chung của đất nước chúng ta”.
Về cụ thể các giải pháp đã được triển khai, Bộ trưởng Lao động Síp cho biết thời gian xử lý hồ sơ xin giấy phép lao động với công dân các nước thứ 3 đã được giảm đi so với các năm trước đây. Ông cho biết mục tiêu sau cùng là đảm bảo quá trình xử lý hồ sơ này có thể hoàn tất trong vòng 1 tháng kể từ ngày nộp.
Một thông tin chú ý khác được Bộ trưởng Panayiotou chia sẻ, đó là việc Chính phủ Síp đang nghiên cứu về việc cho phép du học sinh các nước đang theo học tại Síp được tham gia thị trường lao động của nước này.
Ngoài ra còn là việc tiến hành kí kết các thỏa thuận song phương với nhiều quốc gia về vấn đề tiếp nhận lao động tới Síp, giúp việc tuyển dụng nhân công nước ngoài hiệu quả hơn hiện này.
Cuối cùng phải kể đến việc một hệ thống số hóa quá trình nộp & quản lý hồ sơ xin giấy phép lao động cho công dân nước thứ 3 đã được triển khai nghiên cứu.