Hội đồng Giáo dục và Khả năng cạnh tranh của Síp mới đây đã đệ trình lên chính phủ một loạt các đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển mảng giáo dục đại học, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia này.
“Síp có triển vọng rất lớn để cải thiện vị thế trên bản đồ các trung tâm của giáo dục đại học của thế giới”, hội đồng cho biết. Theo bản đề xuất trên, mặc dù rất khó để tính toán chính xác đóng góp của mảng giáo dục đại học vào nền kinh tế Síp, tuy nhiên có nhiều lợi ích khác, bên cạnh lợi nhuận đơn thuần về học phí.
Cụ thể, làn sóng du học sinh quốc tế tới Síp được cho là giúp “nâng cấp” nguồn nhân lực của đảo quốc này, thúc đẩy phát triển về nghiên cứu và văn hóa, cũng như cải thiện chất lượng sống nói chung.
Đề xuất đầu tiên liên quan tới việc xây dựng một kế hoạch chiến lược nhằm biến Síp thành một trung tâm giáo dục đại học và nghiên cứu, với sự hợp tác của các cơ sở giáo dục, tổ chức nghiên cứu, chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Kế hoạch này bao gồm việc lựa chọn một số ngành đào tạo thế mạnh mà Síp nên tập trung đầu tư, xác định các quốc gia là thị trường tiềm năng để thu hút sinh viên, cũng như dự báo tỷ lệ sinh viên địa phương, sinh viên các nước EU và sinh viên từ các quốc gia khác trong 5 năm tới.
Mục tiêu của bản đề xuất trên là tăng gấp đôi số lượng sinh viên đại học trong vòng 10 đến 15 năm tới.
Ngoài ra còn có một đề xuất nhằm xây dựng một cổng thông tin riêng, phục vụ người nước ngoài trong việc tìm kiếm các thông tin cần thiết liên quan đến việc du học tại Síp, cũng như hợp tác với các trung tâm nghiên cứu tại châu Âu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và trao đổi sinh viên bậc sau đại học.
Hội đồng mong muốn tất cả các trường đại học hợp lực để quảng bá hòn đảo như một trung tâm giáo dục, cũng như việc sử dụng các cơ quan ngoại giao của Síp ở nước ngoài cho mục đích này.
Một trong những đề xuất khác là việc xây dựng các sáng kiến nhằm thu hút đầu tư xây dựng đại học tại các vùng còn gặp nhiều khó khăn, như các vùng núi hiểm trở hay khu vực nông thôn, cũng như các khu vực du lịch, vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố mùa vụ.
“Thu hút các cơ sở giáo dục bậc cao tới các khu vực khó khăn có thể mang lại những lợi ích trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế địa phương, cũng như các ích lợi rộng hơn cho toàn bộ nền kinh tế Síp”, hội đồng cho biết.
“Ngoài lợi ích trực tiếp từ các hoạt động kinh tế liên quan, việc quy hoạch sinh viên cư trú tại các khu vực này có tiềm năng giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống, thu hút dân cư”.
Theo thống kê, số lượng sinh viên ghi danh tại các trường đại học ở Síp đã tăng gấp đôi trong 12 năm trở lại đây, hiện đã vượt mức 50.000, với 44% là du học sinh từ các quốc gia khối EU, 16% từ các quốc gia khác trên thế giới.