Văn hóa đảo Síp: Gia đình – nền tảng quan trọng nhất của xã hội

Nói về văn hóa đảo Síp không thể không nhắc đến văn hóa gia đình – một trong những nền tảng quan trọng trong xã hội của quốc gia Địa Trung Hải này.

Với người Síp, gia đình là nền tảng quan trọng nhất của xã hội, là nguồn hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Người Síp thường coi đại gia đình nhiều thế hệ như gia đình trực tiếp của mình. 

Ví dụ, bạn có thể còn thân thiết với anh em họ như anh em ruột của mình. Anh em họ hàng thường cố gắng để sống gần nhau. Với mỗi người, anh chị em họ hàng cũng chiếm một phần không nhỏ trong danh sách những người thân thiết nhất trong cuộc sống của họ.

văn hóa gia đình đảo síp anh chị em

Cấu trúc gia đình người Síp

Ở Síp, các thể hệ trước thường sinh con nhiều. Một người có thể có tới 10 hay hơn anh chị em là điều rất bình thường. Mỗi người trong họ trưởng thành, lập gia đình và lại có những đứa trẻ của riêng mình. Vì vậy mà quy mô của các đại gia đình tại Síp thường rất lớn.

Thế hệ hiện nay của Síp sinh đẻ đã có kế hoạch hơn, thường là từ 2 đến 4 con. Tính ra mỗi đứa trẻ sẽ có vài chục cô dì chú bác, anh chị em họ là điều bình thường.

Trong mỗi gia đình tại Síp, tuổi tác thường gắn với quyền lực. Những người cao tuổi trong gia đình luôn nhận được sự kính trọng cao nhất từ con cháu và thường được tìm đến tham vấn về mọi quyết định quan trọng.

Nhiều nhận định cho rằng giới trẻ Síp hiện nay đang ngày càng thiên về chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Bất chấp điều này, cha mẹ trong các gia đình tại Síp vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định quan trọng của con cái, không chỉ khi chúng còn nhỏ hay đang đi học, mà còn trong suốt cuộc đời.

Thế hệ ông bà thường có tâm lý cống hiến, hy sinh tất cả vì con cháu. Họ có thể giúp con, cháu chăm sóc, nuôi dạy những đứa trẻ trong gia đình. Họ cũng luôn góp vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện hội họp lớn của đại gia đình và giữ cho các thành viên gắn kết, gắn bó với nhau.

Với những gia đình Síp xa xứ, thế hệ đi trước cũng thường chịu trách nhiệm trong việc, dạy dỗ con cháu về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo để họ luôn nhớ về cội nguồn Síp.

Các gia đình 2 thế hệ là nền tảng quan trọng trong xã hội Síp. Mặc dù vậy, con cái thường sống cùng cha mẹ lâu dài hơn so với các nước phương Tây, thường là đến tận lứa tuổi 35.

Đặc điểm về văn hóa này phản ánh mối quan hệ khăng khít trong các gia đình Síp. Bên cạnh đó, những khó khăn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trong 2 thập kỷ gần đây khiến giá cả tiêu dùng tăng cao cũng được cho là một nguyên nhân quan trọng.

Dù con cái không phải luôn có cơ hội hoàn thành mục tiêu tự chủ về tài chính với bố mẹ, song đó là khát vọng, mục tiêu phổ biến của giới trẻ Síp.

văn hóa đảo síp: gia đình nhiều thế hệ gần gũi bên nhau

Con cái trưởng thành tại Síp thường chăm sóc ông bà cha mẹ khi họ bước vào tuổi già. Vì vậy, ông bà thường chuyển về sống cùng gia đình con cháu khi họ đến một tuổi nào đó, hoặc khi một trong hai người qua đời.

Truyền thống hẹn hò và xây dựng gia đình của người Síp

Vấn đề hẹn hò & hôn nhân với người Síp

Chuyện hẹn hò của người Síp cũng tương đồng với truyền thống của các nước nói tiếng Anh phương Tây. Đi ăn uống, xem các show diễn và đi nhảy là các hoạt động phổ biến trong các buổi hẹn hò.

Dù có quan hệ gần gũi với cha mẹ, ông bà, nhưng chuyện hẹn hò và yêu ai thường là quyết định riêng của mỗi người. Dù vậy họ sẽ được kỳ vọng lập gia đình với những người cùng dân tộc, tôn giáo. Vì vậy mà rất hiếm gặp người Síp gốc Hy Lạp cưới người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

văn hóa hẹn hò đảo síp

Thanh niên Síp cũng thường phải chịu áp lực từ cha mẹ nếu họ đã bước vào lứa tuổi 30 mà chưa lập gia đình. Độ tuổi kết hôn trung bình của người Síp là 30 với nam và 29 với nữ. Độ tuổi này thường thấp hơn tại các khu vực nông thôn.

Hôn nhân là một điều vô cùng thiêng liêng, quan trọng với xã hội Síp, đặc biệt là với những người sùng đạo Thiên chúa hay đạo Hồi. Nhà thờ thiên chúa và kinh Qur’an của người đạo Hồi đều lên án “quan hệ” trước hôn nhân và có con ngoài giá thú. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Síp có tỷ lệ có con ngoài giá thú thấp hàng đầu tại châu Âu.

Bất chấp điều trên, ngày càng có nhiều cặp đôi Síp lựa chọn việc “sống thử” trước hôn nhân hoặc tổ chức đám cưới sau khi đã có con với nhau.

Về cưới hỏi, theo truyền thống, các cặp vợ chồng mới cưới tại Síp sẽ sống cùng nhà với bố mẹ 2 bên trước khi họ có đủ tiền để ra ở riêng. Điều đặc biệt là không phải cô dâu, thông thường chính chú rể mới là người phải chuyển đến sống cùng gia đình vợ trong giai đoạn đầu này.

Một phong tục khác khá đặc biệt về cưới hỏi tại Síp là gia đình cô dâu thường mua nhà hoặc xây một căn nhà cho con gái của mình gần nhà của họ, như một món quà hồi môn. Tuy nhiên truyền thống trên hiện nay đã không còn phổ biến.

Những con số thống kê ấn tượng về hôn nhân tại Síp

Theo thống kê năm 2016, chỉ 17,1% đám cưới tại Síp có cô dâu chú rể đều là người Síp. Hơn một nửa số đám cưới (56,5%) là giữa 2 người nước ngoài. Còn lại 26,2% các đám cưới là giữa một người Síp và một công dân nước ngoài.

Đây là những con số không bất ngờ, bởi Síp là một “điểm nóng” về du lịch kết hợp đám cưới của châu Âu và thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nước ngoài sống tại Síp cũng rất cao, so với dân số nhỏ bé chỉ khoảng 1 triệu người của quốc đảo này.

Các cô dâu người nước ngoài phổ biến nhất là đến từ các nước: Romania, Bulgaria, Nga, Philippines. Trong khi đó với các chú rể “tây”, phổ biến nhất là đến từ Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Romania.

Tỷ lệ ly hôn tại Síp trong quá khứ là rất thấp, chỉ khoảng 4,2% vào thập niên 1980. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ này đã tăng mạnh, cụ thể vào năm 2016 là 31%.

Điều này được xem là do sự thay đổi trong tư tưởng của người Síp về hôn nhân. Trước đây việc ly hôn thường phải đối diện với định kiến lớn từ xã hội. Rào cản trên hiện đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, khiến cho các cặp đôi “tan vỡ” dễ dàng hơn nhiều trong việc đi bước nữa.

Mặc dù vậy, vấn đề quan hệ tình cảm và hôn nhân giữa những người đồng giới vẫn bị kỳ thị khá nặng nề.

BSOP – ĐẦU TƯ ĐỊNH CƯ QUỐC TẾ

Hotline: 0904 966 797